GÓC LÍ LUẬN VĂN HỌC | MỌI TÁC PHẨM VĂN HỌC CHẤT CHỨA NỖI ĐAU ĐỀU KẾT NGỌC DÂNG ĐỜI

Ngày 17/04/2023 16:13:50, lượt xem: 4888

Đề bài: “Giống như mọi con trai đau đớn đều cho ngọc, mọi tác phẩm văn học chất chứa nỗi đau đều kết ngọc dâng đời.” Bằng trải nghiệm văn học, anh chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

 

 

Bài làm

Bạn có nhìn thấy chú bướm đang bay lượn trên bầu trời kia không? Nhưng liệu mấy ai biết được rằng chúng đã phải chịu đau đớn thế nào để có được hình hài đẹp đẽ ấy. Tương tự như vậy, sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ cũng là một công việc cực nhọc và vô cùng gian khổ. Một người nghệ nhân điêu khắc không thể cứ nhìn nguyên mẫu rồi sao chép y nguyên hay họa sĩ cũng không chỉ quan sát đời sống đi rồi phác họa lại bằng những đường nét thô kệch, vô hồn. Trong thế giới văn chương cũng vậy, nơi đây không thể du nhập “những kẻ chỉ biết làm theo vài kiểu mẫu đưa cho”, chỉ dùng những vốn ngôn ngữ của mình như một cuộc “cưỡi ngựa xem hoa” ghi lại những cảnh “ánh trăng lừa dối” mà họ phải cố gắng trở thành người “đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Nếu làm được điều đó, các tác phẩm nghệ thuật sẽ trở nên có sức sống và có giá trị riêng nên đã có ý kiến cho rằng: “Giống như mọi con trai đau đớn đều cho ngọc, mọi tác phẩm văn học chất chứa nỗi đau đều kết ngọc dâng đời”.

Sáng tác văn chương là một cuộc thám hiểm dài vô tận, hơn nữa “nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà) nhưng để gửi gắm sự ngọt ngào ấy, người nghệ sĩ đã phải nếm trải biết bao cay đắng cuộc đời. “Giống như mọi con trai đau đớn đều cho ngọc, mọi tác phẩm văn học chất chứa nỗi đau đều kết ngọc dâng đời”. “Trai cho ngọc” là giữa đại dương xanh mênh mông rộng lớn, những chú trai tưởng chừng vô lo vô nghĩ lại phải xót lòng, đau thấu tâm can bởi thân hình của chúng chạm mặt những hạt cát nhỏ - những tên thích khách lạ mặt lẻn vào trong thân trai. Những con trai nào không chịu đựng được sẽ kết thúc cuộc đời của chúng, còn những con mạnh mẽ sẽ tiết ra dòng máu sinh mệnh bao quanh hạt cát để cho ra hạt ngọc tinh túy nhất mà người đời thường gọi là “hạt đau, hạt xót”. Tương tự như sự ra đời của ngọc trai, các tác phẩm văn học “chất chứa tình cảm” là những tác phẩm được hoài thai bởi những nỗi đau, nỗi đau đó là gì? Là sự thật tàn khốc từ hiện thực, là tiếng khóc của con người nhỏ bé giữa cuộc sống tù mù tăm tối. Grandi từng khẳng định: “Không có nghệ thuật nào là không hiện thực”. Cuộc sống là nơi bắt đầu và là nơi đi tới của văn chương, văn học luôn gắn chặt với hiện thực cuộc sống và bén rễ từ đó mà sinh sôi. Hiện thực xã hội là mảnh đất màu mỡ để người nghệ sĩ đào sâu, đào xới, là phép màu làm nên tính chân thực, tính tự nhiên, tính đúng đắn, tính thực tế của tác phẩm văn học, nỗi đau ấy chính là nỗi đau từ hiện thực, nỗi đau của “Những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”- Nam Cao. Vậy nên các tác phẩm văn học phải gắn với đời sống con người như là một điều quan trọng tất yếu.

 

ĐỌC THÊM GÓC LÍ LUẬN VĂN HỌC | Con người là nghệ thuật

 

Không chỉ là nỗi đau của những kiếp người trong hiện thực, nỗi đau này còn là nỗi đau ẩn chứa sâu bên trong của người nghệ sĩ khi họ thấu hiểu, đồng cảm với những mảnh đời hiện thực, là giọt nước mắt thương xót khi họ sống cùng nhân vật, họ chứng kiến và ghi nó lại trong từng câu từ, con chữ. Sáng tác văn học cũng là một quá trình dài, trong chuyến hành trình ấy bắt buộc người nghệ sĩ phải nếm trải đủ dư vị đắng cay mặn chát, phải luôn không ngừng làm mới mình và thể hiện được chất riêng, đó là sự tài hoa uyên bác. Nếu như không có sự tài hoa, uyên bác, cái nhìn tinh tế cùng sự am hiểu về cuộc sống thì người nghệ sĩ thì khó lòng có được một tác phẩm tuyệt tác. Ta nói văn học lấy chất liệu từ đời sống thực tế, và tác phẩm văn học ra đời là nhờ sự mài dũa, trau chuốt khéo léo, người viết trải qua một khoảng thời gian dài để có được tuyệt tác của bản thân gửi tới các độc giả cũng như việc con trai nơi “đáy cát bể sâu” trải qua những cơn đau giằng xé, xót xa để tạo ra được hạt ngọc bóng bẩy. Nói tóm lại, để tác phẩm kết ngọc dâng đời, các tác phẩm phải bắt đầu từ hiện thực, thể hiện rõ cuộc sống con người, muốn được như vậy người nghệ sĩ phải thể hiện được tâm tư tình cảm của mình, phải sáng tạo không ngừng để tạo ra chất riêng.

An-đéc-xen cho rằng: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra” và để viết ra câu chuyện cổ tích ấy, nhà văn bắt buộc phải có sự quan sát, có sự nhạy cảm với đời với người để khai phá hiện thực, đưa cuộc sống vào văn học một cách khéo léo nhất. Nếu muốn tìm hiểu bức tranh đời đậm nét, hãy đến với truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, tác phẩm đã cho người đọc thấy rằng đằng sau vẻ đẹp tuyệt diệu của bức tranh thiên nhiên là một bức tranh đời vô cùng tàn khốc, nếu nghệ thuật không gắn với cuộc sống, không bắt nguồn từ đời sống đó sẽ chỉ là thứ nghệ thuật giả dối, thứ nghệ thuật chết, không có giá trị. Câu chuyện được bắt đầu kể từ khi anh nghệ sĩ Phùng sau một tuần trời phục kích đã chụp được một tuyệt tác nghệ thuật “cảnh đắt trời cho”. Chưa bao giờ Phùng hạnh phúc và xúc động như vậy, đây là khoảnh khắc trăm năm có một, là niềm kiêu hãnh của một người nghệ sĩ. Từ xa xa, chiếc thuyền tiến lại gần, niềm hạnh phúc và xúc động vừa rồi đã bị sụp đổ hoàn toàn bởi ẩn đằng sau bức ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” ấy là một bức tranh đời tàn nhẫn, nghiệt ngã. Từ chiếc thuyền, một người đàn ông và một người đàn bà bước ra. Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi tuổi, thân hình cao lớn quen thuộc của người đàn bà vùng biển với những đường nét thô kệch, khuôn mặt chằng chịt những nốt rỗ, tái mét, trắng bệch và dường như buồn ngủ sau một đêm dài thức trắng kéo lưới, tấm lưng bạc phếch, quần áo rách rưới, ướt sũng. Theo đằng sau là một người đàn ông hung dữ với tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền, mái tóc tổ quạ, chân đi chữ bát, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống đôi mắt đầy vẻ độc dữ lúc nào cũng nhìn chăm chăm vào tấm lưng người đàn bà. Hai nhân vật này xuất hiện chính là mở đầu cho một chuỗi bi kịch sau này, một điều được thể hiện rất rõ thông qua ngoại hình của họ là sự nghèo khó của những người dân chài miền biển, họ sống một cuộc đời thiếu thốn về vật chất, vất vả, cơ cực đủ bề. Sau khi hai nhân vật đã bước lên bờ, bi kịch đã xảy đến, “Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy thời… Chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng của người đàn bà”. Đây quả là một hành động bạo lực hết sức dã man và kinh khủng, không những vậy, vừa đánh lão vừa thở hồng hộc, vừa nghiến răng ken két, cứ mỗi một nhát quật xuống lão lại rên rỉ bằng một giọng đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ! Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”. Từ lời rên rỉ này, ta có thể cảm nhận đây là lời nói căm phẫn của một người đang rất tức giận, như một lời nguyền rủa, trì triết nặng nề. Người đàn bà bị đánh như vậy nhưng vẫn cam chịu, không một lời oán trách, cầu xin hay chống cự. Bỗng từ đâu xuất hiện một cái bóng vút qua, thằng bé Phác giật lấy chiếc thắt lưng da, rướn thẳng người vung chiếc khóa sắt vào tấm ngực trần vạm vỡ của người đàn ông, sau đó nó bị ăn hai cái tát trời giáng khiến nó ngã dúi ngã dụi. Lúc này người đàn bà như vỡ òa, như mới cảm nhận được đau đớn mếu máo khóc và nói: “Phác con ơi!” rồi ôm chầm lấy nó, chắp tay vái lia lịa, “thằng Phác như viên đạn bắn thẳng vào ngực người đàn ông và giờ đây nó xuyên qua tâm hồn người đàn bà làm rỏ xuống những giọt nước mắt…” Sau đó nó đưa tay để lau đi những giọt mắt còn đọng lại những nốt rỗ trên mặt người đàn bà. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh, có lẽ tình trạng này xảy ra thường xuyên “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, nạn bạo hành ấy vẫn diễn ra liên miên trên chiếc thuyền ấy, người đàn bà vẫn âm thầm chịu đựng. Có lẽ tất cả là do cái nghèo, sự lạc hậu bủa vây những người dân chài, người dân quanh năm sống với sông nước, có những ngày cả nhà phải ăn xương rồng luộc chấm muối… Qua chi tiết này, ta có thể thấy rằng nhà văn Nguyễn Minh Châu đã rất thành công khi xây dựng được một tình huống đối lập, khắc họa thành công bức tranh đời bị ẩn lấp đằng sau bức tranh tuyệt vời của thiên nhiên. Từ đó nhà văn đã thể hiện những quan điểm và bài học của mình về nghệ thuật đó là nghệ thuật phải gắn với hiện thực, nếu tách khỏi hiện thực thì đó chỉ là thứ nghệ thuật phù phiếm, thứ nghệ thuật giả dối, đặc biệt với một người nghệ sĩ càng phải có sự nhạy cảm với đời, với người, khi nhìn nhận vấn đề phải nhìn theo hai chiều, không nhìn theo một chiều phiến diện, phải nhìn thấy được câu chuyện ẩn giấu sau bức tranh nghệ thuật, đó mới là sứ mệnh của người nghệ sĩ. Cũng giống như ý kiến của nhà văn Nam Cao: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ là những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Nếu xa rời hiện thực tác phẩm nghệ thuật cũng sẽ chỉ là những tác phẩm dư thừa, vô nghĩa.

 

ĐỌC THÊM GÓC LÍ LUẬN VĂN HỌC | Chức năng của văn chương

 

Sau khi từ mảnh đất hiện thực, loài cây nghệ thuật bắt đầu sinh sôi nảy nở và kết ra những trái ngọt nhất, nhưng trong vị ngọt ấy cũng ẩn chứa bao nhiêu vị đắng cuộc đời bởi mỗi câu chuyện đều ẩn chứa những nỗi niềm riêng, ẩn chứa nỗi đau con người, có thể là nỗi đau của nhân vật, của tác giả hoặc sự đồng cảm xót thương của tác giả đối với những mảnh đời trong tác phẩm của mình. Bàn đến các tác phẩm văn học làm nổi bật được nỗi đau của kiếp sống nghiệt ngã, tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao đã trở thành một tượng đài bất hủ không hạt bụi thời gian nào làm lu mờ được. “Chí Phèo” là một tác phẩm hiện thực kể về cuộc đời bi thảm và đau thương của Chí Phèo, một người nông dân bị cuộc sống và xã hội đương thời chèn ép mất cả nhân hình lẫn nhân tính, phải biến thành một con quỷ của làng Vũ Đại. Ngay từ lúc sinh ra, Chí đã bị tước bỏ quyền làm người khi bị bỏ rơi ở một cái lò gạch bỏ hoang vắng người qua lại, sau khi lớn lên thì bị mua bán không khác gì một thứ đồ vật để rồi bị Bá Kiến và chế độ nhà tù thực dân biến hắn thành tên lưu manh côn đồ. Chúng ta có thể thấy rõ nỗi đau của Chí được thể hiện qua chi tiết tiếng chửi: “Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều”. Vì sao hắn phải chửi? Đó là khao khát được giao tiếp với đồng loại vì không ai để ý đến hắn, không ai muốn nói chuyện với hắn, lúc này Chí đã bị hất ra bên lề của cuộc sống, đó chính là nỗi đau da diết của một con người bị đồng loại chối bỏ. Sau khi ra tù, hắn lại bị Bá Kiến lợi dụng lần nữa và trở thành một con quỷ. Cuộc sống của hắn luôn quay cuồng trong sự chém giết, luôn mơ màng chìm đắm trong men rượu cho đến khi gặp Thị Nở, hắn mới bắt đầu thức tỉnh, từ tri giác, cảm giác cho đến tâm tư đều bừng tỉnh, lúc này hắn cảm nhận được tình yêu, khao khát được yêu, khao khát được níu giữ thứ tình cảm trước đây mình chưa được nhận nhưng rồi ngọn lửa le lói nhỏ nhoi sưởi ấm trái tim hắn lại bị dập tắt bởi định kiến xã hội, đến người như Thị Nở còn bỏ rơi Chí Phèo, “hắn đuổi theo Thị, nắm lấy tay. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho hắn một cái”. Lúc này, nỗi đau bị bỏ rơi trào dâng mãnh liệt trong lòng Chí, hắn vừa mới cảm nhận được hạnh phúc ngắn ngủi đã bị tước đoạt mất, có lẽ lúc này hắn xót xa, ê chề hơn bao giờ hết nên mới muốn gắng níu giữ, nhưng rồi Thị Nở vẫn rời đi, chỉ còn mình hắn với nỗi đau vô ngần. Đây cũng chính là nguyên cớ để làm dấy lên nỗi u uất trong lòng Chí, hắn định cầm dao đến chém chết cả nhà con đĩ Nở nhưng bước chân ngật ngưỡng lại đưa hắn đến nhà Bá Kiến bởi trong thâm tâm hắn biết rõ, chính Bá Kiến mới là kẻ thù khiến mình thành như vậy. Khi đến nhà Bá Kiến, hắn dõng dạc tuyên bố: “Tao không đến đây để xin năm hào, tao muốn làm người lương thiện” nhưng Chí hiểu rõ rằng: “Không được, ai cho tao lương thiện, làm thế nào để mất đi những vết mảnh chai trên mặt này, tao không thể là người lương thiện nữa rồi, chỉ còn một cách…” và thế là hắn xông vào lấy mạng Bá Kiến và kết thúc đời mình. Cái chết mà Chí lựa chọn có lẽ là lối thoát duy nhất bởi hắn không thể tiếp tục làm quỷ nhưng làm người thì xã hội không cho, đó là đau bị tước bỏ quyền làm người, tước bỏ quyền sống, chỉ có cái chết mới minh chứng được hắn khao khát làm người đến mức nào nên Chí Phèo đã chết trên ngưỡng cửa quay trở lại làm người, hắn chết lúc người nhất. Đó chính là ba nỗi đau của Chí Phèo được nhà văn Nam Cao khắc họa trong tác phẩm cùng tên, đó là nỗi đau bị đồng loại chối bỏ, nỗi đau bị tình yêu quay lưng và nỗi đau bị tước đoạt quyền làm người.

Trong tác phẩm “Lão Hạc”, Nam Cao đã tự thốt lên: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm hiểu họ, thì ta thấy họ gàn dở, bần tiện, ngu ngốc, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ thấy được họ là người đáng thương, không bao giờ ta thương…” Có lẽ, nhà văn Nam Cao luôn dành cho nhân vật của mình bằng tình cảm chân thành nhất để thấy được họ là người đáng thương, thấy họ xứng đáng được yêu thương. Đằng sau tiếng chửi của Chí Phèo, nhà văn Nam Cao cũng đã khéo léo lồng ghép tình cảm của mình vào đó. “Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này!”. Nhà văn như đang sống cùng với nhân vật, như đang cảm nhận từng nỗi đau cùng nhân vật, câu hỏi: “Thế thì có khổ hắn không?” cho thấy sự cảm thông thương xót, chính lúc này đây, tác giả cũng không biết hỏi ai để có câu trả lời, chỉ biết cất lên câu hỏi như vậy để thể hiện nỗi niềm của mình và gợi lên niềm cảm thông từ bạn đọc. Nếu như nỗi đau của anh Pha trong truyện ngắn “Bước đường cùng” nhà văn Nguyễn Công Hoan chỉ gợi lên nỗi đau về sưu cao thuế nặng, tước đoạt đất đai hay như Chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố với “tiền đồ tối đen như mực” thì nỗi đau của Chí Phèo đau đớn hơn, nghiệt ngã hơn vì sinh ra là con người nhưng không được công nhận, sinh ra là con người nhưng phải khao khát làm người. Nhà văn đã thả những giọt nước mắt của mình vào từng câu văn, nhà văn đau đớn thay nhân vật, đau đớn cho số phận nghiệt ngã của nhân vật.

“Nhà văn chính là thư ký của thời đại” (Balzac). Hiện thực cuộc sống vô cùng phong phú, sinh động. Có niềm vui và nỗi buồn, có hạnh phúc và khổ đau, có cao cả và thấp hèn, có người tốt và kẻ xấu… Vậy thì nhà văn – thư ký của thời đại có thái độ ứng xử như thế nào đối với hiện thực ấy qua lao động sáng tạo của mình? Đó chính là việc anh phải có cái tâm cái tầm, có sự nhạy cảm với cuộc đời, với thời cuộc. Để cho ra đời một tác phẩm “kết ngọc” anh phải trải qua một quá trình dài khổ luyện, phải nghiên cứu, mày mò, đào sâu, tìm tòi và không ngừng làm mới mình. Đó là thiên chức của một nhà văn, nhưng để thực hiện quá trình này không phải là điều đơn giản, chẳng biết đã bao đêm giọt mồ hôi rơi, bao đêm thức trắng để từng câu từ con chữ được bay bổng trên nền trời xanh, chắc hẳn cũng đã có những giọt nước mắt rơi, có đôi lần muốn buông xuôi bỏ cuộc. Như nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ từng thốt lên rằng:

“Có những lúc tâm hồn tôi rách nát

Như một tấm gương chẳng biết soi gì…”

Thế giới văn học là vậy, nếu anh không vất vả một phen thì anh khó mà có quả ngọt dâng đời bởi văn chương là thứ nghệ thuật yêu cầu cao. Nhà văn Nam Cao đã từng chia sẻ một quan niệm mang đậm chất triết lý thông qua nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời thừa”: “Cẩu thả trong bất cứ nghề gì là bất lương, cẩu thả trong văn chương là đê tiện”. Trong truyện ngắn ấy, “Văn sĩ Hộ” là một người nghệ sĩ nghèo nhưng mang trong mình biết bao ước mơ, hoài bão lớn lao và có lí tưởng sống cao đẹp. Nhà văn Hộ luôn khao khát có cho mình những tác phẩm lớn, mang những giá trị bền vững vượt thời gian và được nhận giải nobel, tuy nhiên cái nghèo đói đã trói buộc đôi cánh ước mơ ấy của Hộ. Anh đành tạm gác lại ước mơ chân chính của mình, anh rơi vào kiếp sống “Đời thừa”, vô nghĩa. Trong thời đại đó, việc Hộ trở thành biểu tượng của nhà văn chính là lý tưởng của anh, anh viết văn cho đời, không phải cho riêng bản thân mình. cuộc sống của anh lúc nào cũng xoay quanh vấn đề cơm, áo, gạo, tiền. Trách nhiệm cao cả của một người chồng, người cha đã đẩy Hộ đi đến con đường viết văn một cách nhạt nhẽo, nông cạn và thô thiển, khác xa với lý tưởng và tâm huyết của anh,anh chỉ viết sơ sài, đại khái để kiếm thật nhiều tiền nhuận bút. Tinh thần của văn sĩ Hộ bị bức ép, dồn đến chân tường bởi cuộc sống, nhiều khi đọc lại văn của mình anh tự cảm thấy xấu hổ, anh vò nát những mẩu giấy, viết đi viết lại nhưng không thể nào ưng ý. Người nghệ sĩ như Hộ đã trở thành "đời thừa" trong xã hội, trong chính bản thân mình khi đánh mất tài năng và nhân cách của mình. Bởi vậy, nghề cầm bút không phải là nghề dễ dàng, ẩn sau những từ ngữ hoa lệ bay bổng ấy là cả một quá trình của nhà văn, là thái độ của họ đối với nghề.

 

ĐỌC THÊM GÓC LÍ LUẬN VĂN HỌC | Chỉ có nhà thơ sau khi có bài thơ...

 

Kế đến, nhắc đến sự vất vả trong quá trình sáng tác ta không thể không nhắc đến sự mày mò, tìm kiếm, sự đổi mới sáng tạo trong cốt cách nhà văn. Và tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân sẽ là một minh chứng sống. Bằng chất tài hoa uyên bác của mình, nhà văn Nguyễn Tuân đã làm nổi bật hình ảnh sông Đà dưới hai bình diện hung bạo và trữ tình. Khi sông Đà hung bạo dữ dội, tác giả miêu tả: “Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu…Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió…” Lúc ấy con sông Đà nơi gió núi đại ngàn không khác gì một con thủy quái, chúng hung hãn như muốn ăn tươi nuốt sống những gì đi qua đây, trên sông Đà lúc này mọi thứ như được bày binh bố trận, là trận quyết tử quyết sinh một mất một còn của sông Đà với người lái đò, trận địa hung hãn làm rung chuyển càn khôn. Đá dựng vách thành thật kiên cố, chẹt lòng sông lại như một cái yết hầu, cách so sánh đặc biệt thể hiện độ hẹp rất nguy hiểm, thuyền đi qua đây có thể bị kẹp cho tan xác. Nước thì quanh năm sục sôi bão tố, gió, nước, đá, sóng phối hợp thật ăn ý với nhau để cho ra một trận địa chết chóc, hiểm hóc mà trận địa ấy cứ dài xa tít tắp, dài hàng ngàn cây số. Đó là lúc con sông Đà hung bạo, còn khi Sông Đà dịu dàng thì sao? Chúng lại như một người thiếu nữ dịu dàng được nhà văn Nguyễn Tuân khắc họa qua bình diện thơ mộng trữ tình. “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai va cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà…Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân…” Sông Đà lúc này lại như cô gái tuổi mười chín đôi mươi phô khoe mái tóc dài mượt, suôn bóng óng ả và đường cong tuyệt diệu trên cơ thể mình. Người thiếu nữ ấy gài lên mái tóc mình bông hoa ban trắng xinh, bông hoa gạo đỏ rực để làm duyên làm dáng. Cô ấy e thẹn, ngại ngùng, nấp sau mây trời Tây Bắc ẩn hiện trong sương mờ, dòng sông này vừa xinh đẹp, vừa quyến rũ, vừa gợi cảm nhưng cũng vừa quen thuộc như “một cố nhân”. Nhắc đến sông Đà, hầu hết các nhà văn đều khai thác sự hung dữ, nhưng với Nguyễn Tuân, ông còn nhìn bằng một con mắt tinh tế để làm nổi bật nét dịu dàng của con sông mà trước đây chưa ai làm được, điều đó đã làm nên thành công của tác phẩm “Người lái đò sông Đà”, tạo nên sự đặc biệt của tác phẩm và thể hiện chất tài hoa uyên bác của Nguyễn Tuân.

Mỗi hành trình là một chuyến đi, trong chuyến đi ấy nếu gặp gian lao thách thức là điều không thể tránh khỏi. Sáng tác văn học cũng vậy, đôi khi phải trải qua tất cả những chông gai, thách thức của đời cầm bút thì người nghệ sĩ mới có thể có cho mình tác phẩm để đời. Bởi vậy ý kiến: “Giống như mọi con trai đau đớn đều cho ngọc, mọi tác phẩm văn học chất chứa nỗi đau đều kết ngọc dâng đời” là một ý kiến đúng đắn” vì thứ nhất, các tác phẩm văn học chứa đựng nỗi đau con người phải là các tác phẩm phải xuất phát từ hiện thực, gắn với hiện thực, thể hiện nỗi niềm nơi cuộc sống của con người. Kế đến, văn học phải chất chứa niềm thương cảm của tác giả đối với nhân vật hoặc có thể là nỗi niềm của chính tác giả đã trải qua, cuối cùng tác phẩm cũng phải là quá trình tìm tòi, mày mò đầy mới mẻ và sáng tạo. Nếu hội tụ đủ những yếu tố đó, tác phẩm sẽ vững vàng với ngọn gió thời gian, trở thành bông hoa tỏa hương rực rỡ trong vườn hoa văn học. Thả hồn theo cánh diều văn học, tài năng nghệ thuật và cái tâm tác giả sẽ là ngọn gió nâng đỡ cánh diều bay cao bay xa và muốn tác phẩm kết quả ngọt thì người nghệ sĩ phải thể hiện tâm hồn và tầm vóc. Đó là óc quan sát và đôi mắt nhạy bén với đời, là trái tim nhân hậu tràn đầy yêu thương và là sự sáng tạo đặc biệt, điều đó đã góp phần làm cho nền văn học Việt Nam thêm phần đa dạng và mới mẻ. Để làm được điều này, người nghệ sĩ phải không ngừng kiên trì, chăm chỉ tìm tòi không được bỏ cuộc. Vậy nên trong quá trình tiếp nhận văn học, bạn đọc hãy mở rộng lòng mình bởi nhiều khi nghệ sĩ không chỉ tả đời đời người khác mà còn tả chính bản thân mình trong thế giới nghệ thuật ngôn từ, hãy tìm kiếm và cảm nhận những giọt mật vàng ấy để cuộc đời thêm phần ý nghĩa.

“Con ong làm mật yêu hoa, con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời”. Có lẽ, một tác phẩm ra đời là một tình yêu chan chứa của người cầm bút. Bởi nếu không có tình cảm sâu sắc thì có lẽ nhà văn đã không thể trải qua những thăng trầm để viết ra một tác phẩm văn học chân chính. “Giống như mọi con trai đau đớn đều cho ngọc, mọi tác phẩm văn học chất chứa nỗi đau đều kết ngọc dâng đời”. Nỗi đau ấy chính là phép thử, là công cụ để các tác phẩm trở thành những viên ngọc sáng lấp lánh, góp phần làm phong phú và giàu có cho nên văn học nước nhà.

 

Đồng hành cùng chị trong KHÓA HỌC 10 NGÀY "CHẠY" VĂN để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan